Nhiều khi viết ra thì thấy cũng không anh hùng hảo hán gì, khi ông anh mình kể đã leo bao nhiêu đỉnh trên 3000m miền Bắc: Fanxipang (3.143m), Phutaleng (3.096m), Pusilung (3.076m), Bạch Mộc Lương Tử (3.045m)… Nhưng dù chưa có điều kiện tấn công núi non miền Bắc nhưng mình cũng tập tành đi hết 3 ngọn núi cao hơn đồi một xíu, gọi là cao nhất Nam Bộ: Bà Đen (986m), Chứa Chan (800m), Bà Rá (736m).
1. Bà Đen 986m
Vị trí: huyện Dương Minh Châu- Tây Ninh- cách TP HCM 100km
# Thời gian chinh phục đỉnh núi với sức khỏe bình thường người lần đầu leo: 4 tiếng
# Phương tiện di chuyển leo núi:
- Xe máy: trước đây mình hay dùng cách này, đi về trong ngày chủ nhật nhưng sau đó cảm thấy rất mệt và ngán với chặng đường về.
- Xe ô tô: Phương án thuê một chiếc e 16c, khoảng 2,5tr/ngày sáng đi chiều về rất rất hợp lý, rủ thêm các bạn trẻ đi chinh phục đỉnh núi, team các chị các bà thì đi chùa. Thuê xe của bên MGM xe đời mới đi 2 tiếng đến chân núi quá rẻ và khỏe.
#Thuê lều: địa chỉ thuê lều (lều, tấm cách nhiệt, đèn lều… quen thuộc của mình là bên Chuyên cho thuê.
# Nước và đồ ăn, quần áo nếu cắm trại qua đêm:
- Nước 3,5l/ người
- Đồ ăn: sandwich/ bánh chưng/xúc xích/mì ly
- Quần áo: Áo khoác bất kể mùa nào vì đêm nhiệt độ ở núi luôn hạ thấp + nền đất lạnh.
Đọc thêm bài viết Leo núi cần đem gì để có sự chuẩn bị kĩ hơn cho một chuyến leo núi.
Bà Đen dĩ nhiên là đỉnh cao nhất, thú vị nhất và đẹp nhất rồi. Theo thống kê của các phượt thủ, có đến 7 đường leo lên đỉnh Bà Đen, đường nào cũng lắm gian nan và nhiều dấu ấn khó phai. Bản thân mình mới chỉ leo được 2 đường: cột điện và đường chùa.
Đối với núi Bà Đen, tùy bạn chọn lên xuống đường nào. Tuy nhiên, theo như kinh nghiệm chục lần leo của mình thì các bạn lên đường chùa, xuống đường cột là dễ nhất. Đường chùa nhiều đá to, nhiều đoạn khá khó đi phải bám tay, trơn trượt, nhưng leo lên dễ hơn là trượt xuống. Ngược lại, đường cột đa phần là các bậc đá được xếp chồng lên nhau, đường mòn – thích hợp cho việc đi xuống.
Đọc bài review chi tiết 1 chuyến leo Bà Đen của mình ở đây nhé!
Để leo đường chùa, bạn gửi xe ở cổng khu du lịch núi Bà Đen, mua vé vào cổng 20k/ người. 350m đầu tiên là những bậc thang lên chùa Bà. Nếu đi leo núi không lễ bái gì, bạn hãy tránh những ngày như rằm, và tốt nhất cả tháng Giêng âm lịch đừng đi leo núi vì đó là tháng lễ chùa bà. bạn không thể tưởng tượng nổi ngọn núi xa tút mù tắp ấy vào những ngày này bỗng đông khủng khiếp thế nào đâu. Nhớ lời mình nói, không lại than trách đất trời.
Leo đường chùa còn được cái lợi là ở chùa có cơm chay free bao no bao nhiều. Lần nào leo núi bọn mình cũng ghé ăn.
Đường leo Bà Đen trải qua nhiều địa hình từ bằng phẳng, leo bậc thang, nhảy đá, đu dây, rừng tre trúc, cỏ tranh. Vào mùa mưa, con đường trơn trượt là một thử thách thú vị.



Leo đường chùa còn có một ưu điểm bạn không thể tìm thấy ở đường cột điện là có quán nước Võ Tòng dọc đường. Quán Võ Tòng là tên mình đặt cho quán nước ở lưng chừng núi, bán nước giải khát, nước chanh muối, mì gói măng rừng. Hồi lần đầu đi, còn gặp 1 chú và một anh con trai bán nước. Qua lần sau, chú kể con chú đánh lộn không có tiền bồi thường nên phải đi tù mấy năm. Lần gần đây nhất đi leo núi, anh con trai vẫn chưa ra tù. Mình chú cõng nước lên bán cuối tuần cho mấy nhóm leo núi.

Mỗi lần leo là với một nhóm khác nhau, trong điều kiện thời tiết khác nhau: mùa nắng và mùa mưa nên cảm giác cũng khác. Đặc biệt ở đỉnh núi Bà Đen có 1 cái cây mình rất thích, lần nào leo mà nhớ ra cũng chụp hình kỉ niệm với nó.

Trên đường lên Bà Đen sẽ ghé qua Chùa Bà – một ngôi chùa linh thiêng đón nhiều người dân về lễ bái dịp đầu năm, ngày rằm…
Buổi tối ngủ trên chùa cũng là một trải nghiệm khá thú vị, giữ sức cho buổi sáng hôm sau chinh phục đỉnh núi Bà Đen. Đỉnh núi những ngày mây phủ là khung cảnh rất đẹp mà tin chắc ai cũng muốn một lần trải nghiệm.


Tháng 8/2019, mình cập nhật bài viết này là lúc nghe nói đỉnh núi đã được san phẳng chuẩn bị cho 1 dự án cáp treo hay khu du lịch gì đó trên đỉnh. Bọn mình có vẻ như không còn núi để leo nữa rồi. Cái cây của mình, không biết còn sống được không?
2. Núi Chứa Chan 800m (núi Gia Lào)
Vị trí: Huyện Xuân Lộc – Đồng Nai- cách TP HCM khoảng 120km
# Thời gian chinh phục theo sức khỏe người bình thường: 3 tiếng lên đỉnh núi.
# Phương tiện di chuyển leo núi:
- Xe máy: trước đây mình hay dùng cách này, đi về trong ngày chủ nhật nhưng sau đó cảm thấy rất mệt và ngán với chặng đường về
- Xe ô tô: Phương án thuê một chiếc e 16c, khoảng 4,5tr/ 2 ngày 1 đêm. Thuê xe của bên MGM xe đời mới đi 2,5 tiếng đến chân núi quá rẻ và khỏe.
Leo núi Chứa Chan cũng có 2 đường là đường chùa và đường cột điện. Núi Chứa Chan bạn phải đi ngược lại quy luật Bà Đen: lên đường cột, xuống đường chùa. Là bởi vì đường cột điện bên Chứa Chan khó hơn, đường chùa xuống lại dễ như bạn đang đi dạo chơi qua một ngôi làng vùng cao. Nhưng nói chung là em bé 6 tuổi leo được núi này, nói vậy bạn hiểu rồi nhé!

Đường bắt đầu leo núi Chứa Chan các bạn theo định vị google maps, khu này có quán nghỉ chân rất rộng, có chỗ tắm rửa, gửi xe, ăn uống.



Ngủ đêm trên núi Chứa Chan là trải nghiệm nhất định bạn phải thử một lần trong cuộc đời. Đêm trên đỉnh Chứa Chan nướng thịt và uống chút rượu ấm bụng, đàn hát kể chuyện hoặc ngồi lặng yên nhìn về phía ánh sáng lạ lẫm thành thị. Buổi đêm trong lều trời lạnh, gió thổi phần phật. Buổi sáng nếu may mắn sẽ đón bình minh trên đỉnh núi với không khí thoáng đãng dễ chịu và nhâm nhi ly cafe sáng, tô mì nấu nóng, cảm giác rất tuyệt vời.
Bài trải nghiệm 1 đêm leo núi ngắm trăng trên núi Chứa Chan các bạn đọc ở đây.


Nếu bạn muốn đón bình minh buổi sáng, vị trí cắm trại nên chọn ở phía trên bể nước quân đội, chỗ tảng đá này

So với Bà Đen thì đỉnh Chứa Chan sạch sẽ, ít xô bồ hơn, lí tưởng hơn về mọi mặt. Chỉ vì Bà Đen tiện đường và gần hơn nên được khá nhiều người lựa chọn chinh phục dịp cuối tuần. Mình chưa ngủ trên đỉnh Bà Đen lần nào nhưng bạn mình kể có khi cả chục đoàn ngủ trên ấy, chẳng còn chỗ mà hạ trại. Rác cũng nhiều, cũng bớt yên tĩnh lắng đọng để mà tĩnh tâm như Chứa Chan.

Nói chung mình vote cho Chứa Chan về sự yên bình, sạch sẽ và mong nó sẽ mãi như thế.
3. Bà Rá 736m
Vị trí: Phước Long- Bình Phước cách TPHCM 150km.
Nếu các bạn leo Chứa Chan và Bà Đen rồi thì Bà Rá chẳng khác gì một cuộc dạo chơi. Mình đã đi dạo như thế vài lần và không nói điêu đâu. Đường lên có cáp treo hoặc bậc thang rất tiện lợi, không phải leo trèo khổ sở đoạn nào. Có điều leo bậc thang nhiều đoạn cũng dốc, cũng thở như cún. Cứ theo đường bậc thang các bạn sẽ đến đỉnh núi. Trên này có nhiều điện thờ, chùa đang xây dựng. Đây cũng là điểm khác biệt của Bà Rá. Nếu như ở 2 ngọn núi trên, chùa chỉ đặt ở lưng chừng núi, là điểm dừng chân tạm thời để bạn lấy sức thì ở Bà Rá, chùa đặt tận đỉnh núi luôn.
Còn cắm trại qua đêm trên núi thì mình chưa thấy ai làm có lẽ vì đỉnh này dễ leo quá nên không ai có hứng thú với chốn xô bồ.
Mình là một đứa cực kì thích rừng núi, thích hơn đi biển nên có ai đi núi non, rừng rú gì cứ inbox trên facebook của mình, sẵn sàng tham gia vào những cuối tuần.
còn núi nào đi hấp dẫn nữa k ban?
ThíchThích
Fb mình https://www.facebook.com/huyentran00 nhé, nếu có duyên chúng ta đi cùng nhau
ThíchThích
Huyền ơi, cám ơn bài viết của bạn, add FB mình với nhé 🙂
https://www.facebook.com/hoang.phong.5458
ThíchThích
leo nui Ngoc Linh di ban, hap dan khong the dien ta
ThíchThích
Ồ mình cũng thấy vậy 🙂 https://tranngochuyen.wordpress.com/2015/11/21/ngoc-linh-len-noc-nha-tay-nguyen/
ThíchThích